16/07/2021 - 14326 Lượt xem

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MÈO BỊ NHIỄM GIUN SÁN

 

Dù được nuôi trong nhà hay ngoài trời thì mèo luôn dễ dàng bị nhiễm các loại ký sinh trùng như giun đũa, sán dây và giun móc. Mèo con thường bị nhiễm giun từ mèo mẹ khi bú sữa, trong khi mèo trưởng thành thường bị nhiễm giun do ăn phải trứng giun hoặc sâu bọ bị nhiễm giun. Do vậy, chúng ta cần nhận biết các dấu hiệu bị nhiễm giun sán và chữa trị từ sớm để tránh các hậu quả khó lường về sau.

 

Dấu hiệu nhận biết mèo bị nhiễm giun sán

 

1. Những dấu hiệu mèo bị nhiễm giun sán

 

1.1 Lông mèo xỉn màu hoặc xẹp xuống. Lông của mèo thường bóng mượt nhưng nếu nhiễm giun sán, lông mèo sẽ trở nên xỉn màu hoặc xẹp xuống. Tình trạng này có thể là do mất nước hoặc kém hấp thụ dưỡng chất do nhiễm ký sinh trùng.

 

1.2 Nướu màu nhạt hoặc trắng. Mèo khỏe mạnh có nướu hồng giống như của người. Nướu có màu nhạt hoặc trắng có thể là dấu hiệu thiếu máu, thường là do nhiễm ký sinh trùng. Để kiểm tra nướu cho mèo, đặt mèo lên đùi hoặc bên cạnh người bạn. Sau đó, nhẹ nhàng nắm lấy đầu mèo bằng tay, một tay dưới hàm và một tay sau tai. Dùng ngón tay để lật phần môi trên của mèo lên sao cho phần nướu phía trên răng lộ ra.  Nếu nướu nhạt màu, bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khám càng sớm càng tốt.

 

1.3 Phân màu lạ hoặc tiêu chảy. Nếu mèo dùng khay cát đi vệ sinh, bạn có thể dễ dàng theo dõi phân mèo. Kiểm tra các triệu chứng sau:

 

  • Phân đen, có màu như hắc ín có thể là dấu hiệu mất máu do giun móc bám vào thành ruột của mèo.
  • Mèo có thể bị tiêu chảy do giun sán chiếm không gian trong đường ruột và cản trở tiêu hóa.
  • Nếu mèo bị tiêu chảy lâu hơn 24 tiếng hoặc bạn nhìn thấy phân có máu tươi, có màu đen như hắc ín thì nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khám.

 

1.4 Mèo bị nôn mửa. Nôn mửa là tình trạng phổ biến ở mèo. Tuy nhiên, nếu nôn mửa thường xuyên thì mèo cần được đến bác sĩ thú y khám vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm giun sán hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Giun sán có thể khiến mèo nôn mửa bằng cách cản trở lưu thông đến dạ dày hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày.  

 

1.5 Mèo kém ăn. Mèo nhiễm giun sán nặng thường ăn mất ngon.  Nguyên nhân là do nhiều yếu tố như viêm niêm mạc ruột, đau dạ dày và không gian về mặt vật lý mà giun sán chiếm lấy trong ruột.


1.6 Bụng mèo xưng to. Mèo nhiễm giun sán nặng thường có bụng to, vùng bụng giống như bị sưng lên. Giống như dấu hiệu nôn mửa, chướng bụng là tình trạng phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, dấu hiệu này đủ đáng báo động để bạn đưa mèo đến bác sĩ thú ý khám, dù nguyên nhân tiềm ẩn là gì.

 

1.7 Mèo bị lừ đừ. Nếu giun sán lấy đi dưỡng chất trực tiếp từ ruột thì mèo có thể trở nên lừ đừ, thiếu sức sống và không có năng lượng. Lừ đừ cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Vì vậy, khi mèo có dấu hiệu lừ đừ, bạn nên đưa mèo đến phòng khám trong thời gian sớm nhất để được chẩn trị. Bạn cần nắm rõ mức năng lượng của mèo thường ngày để có thể phát hiện những bất thường trong giai đoạn sớm.

 

 

2. Những điều cần làm khi mèo bị nhiễm giun sán

 

2.1 Đưa mèo đến bác sĩ thú y.

 

  • Một khi mèo bị nghi nhiễm giun sán, điều cần làm trước tiên là đưa mèo đến trung tâm thú y để được khám và kiểm tra mẫu phân. Bạn cần nhớ rõ các triệu chứng mà mèo đang mắc phải để nói chuyện với bác sĩ.
  • Nếu bác sĩ thú y yêu cầu lấy mẫu phân, bạn cần thu thập một ít phân mèo và bảo quản trong túi đựng cho đến khi đưa mèo đi khám. Trứng giun sán dễ bảo quản nhưng tốt nhất bạn nên bảo quản trong túi đựng ở nơi tối, mát mẻ như nhà đậu xe hoặc nhà kho râm mát. Không bảo quản túi đựng phân ở phòng chế biến thức ăn và luôn rửa tay sạch sau khi lấy mẫu phân. Để giảm nguy cơ kết quả âm tính trong xét nghiệm mẫu phân, một số bác sĩ thú y sẽ yêu cầu lấy mẫu phân gộp lại, tức trong 3 lần mà mèo đi vệ sinh trong 3 ngày tách biệt và đựng trong cùng một túi.
  • Bác sĩ thú y sẽ kiểm tra cho mèo và tiến hành xét nghiệm mẫu phân nếu cần thiết. Nếu mèo nhiễm giun sán, bác sĩ thú y sẽ kê đơn thuốc. Cho mèo uống thuốc như hướng dẫn và tình trạng nhiễm giun sán sẽ sớm cải thiện.
  • Lưu ý rằng đôi khi xét nghiệm sẽ không cho kết quả chính xác. Dù mèo bị nhiễm ký sinh trùng nhưng không phải lúc nào trong phân cũng sẽ có trứng hoặc giun. Vì vậy, bác sĩ có thể cần xét nghiệm nhiều lần để chẩn đoán đúng bệnh.

 

2.2 Vệ sinh sạch sẽ nơi mèo sống

 

Để giảm nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng, bạn cần giữ các vật dụng xung quanh mèo sạch sẽ:

 

  • Khay cát. Dọn dẹp chất thải mỗi ngày. Thường xuyên vệ sinh khay cát bằng một lượng nhỏ thuốc tẩy hòa với nước (tỉ lệ 1:30) hoặc nước rửa bát dịu nhẹ.
  • Nơi ngủ. Phơi nắng nệm và giặt khăn nơi mèo nằm thường xuyên.
  • Khay ăn. Thường xuyên rửa khay ăn bằng nước rửa bát dịu nhẹ.
  • Quét dọn nhà cửa thường xuyên để ngừa chấy rận và ký sinh trùng.

 

2.3 Để ý nguồn thức ăn

 

Cho mèo ăn thức ăn có nguồn gốc. Nếu là đồ ăn tự nấu, nên đảm bảo đó là thức ăn chín. Tuy mèo là động vật ăn đồ sống nhưng ta khó có thể đảm bên trong thịt hoặc rau sống không có giun sán. Vì vậy, thức ăn chín và nước sạch là nguồn thực phẩm an toàn hơn cho mèo.

 

3. Bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự lây nhiễm giun sán từ mèo

 

Nếu nghi ngờ mèo nhiễm giun sán hoặc đã kiểm tra giun sán cho mèo, bạn cần rửa tay sạch sau khi xử lý, đồng thời lấy hết phân mèo ra khỏi khay cát. Giữ cho trẻ nhỏ tránh xa mèo cho đến khi đưa mèo đến bác sĩ thú y để điều trị.

 

Bạn cần lưu ý rằng mèo có thể trở thành vật chủ cho một số loại giun sán, đặc biệt là giun đũa, mà không có dấu hiệu bệnh tật. Tuy nhiên, nếu giun sinh sản và tích tụ trong đường ruột, chúng có thể hấp thụ dưỡng chất và lấy đi các dưỡng chất thiết yếu của mèo, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mèo. Vì vậy, phương pháp phòng chống giun sán tốt nhất cho mèo chính là tẩy giun định kỳ hàng năm.

 

XEM THÊM TẨY GIUN CHO MÈO ĐÚNG CÁCH: Tại đây

 

XEM THÊM DANH SÁCH MÈO CON ĐANG ĐƯỢC TÌM CHỦ: Tại đây

Chúc mừng bạn đặt hàng thành công

OK